Trang chủ » Danh mục » Tin tức »

Một số điểm mới trong quy định về kế toán hành chính sự nghiệp

Các đơn vị hành chính sự nghiệp hoạt động bằng nguồn kinh phí của Nhà nước cấp hoặc từ các nguồn kinh phí khác như thu sự nghiệp, phí, lệ phí, hoạt động kinh doanh hay viện trợ không hoàn lại. Trong quá trình hoạt động, các đơn vị này phải có trách nhiệm chấp hành quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và quy định về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp do Nhà nước ban hành. Hiện nay, quy định liên quan đến công tác kế toán tại các đơn vị hành chính sự nghiệp đã tương đối đầy đủ. Hệ thống lại một số điểm mới đáng chú ý, bài viết tập trung trao đổi về những quy định sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2018.

Hoàn thiện quy định về kế toán hành chính sự nghiệp

Kế toán hành chính sự nghiệp (HCSN) là việc tổ chức hệ thống thông tin bằng số liệu để quản lý và kiểm soát nguồn kinh phí, tình hình sử dụng và quyết toán kinh phí, tình hình quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công, tình hình chấp hành dự toán thu chi và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước ở đơn vị HCSN.

Do sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) và được xem là công cụ sắc bén trong việc quản lý NSNN, góp phần đắc lực vào việc sử dụng vốn một cách tiết kiệm và hiệu quả cao, công tác kế toán tại các đơn vị HCSN không chỉ quan trọng đối với chính các đơn vị này mà còn quan trọng đối với điều hành NSNN.

Với ý nghĩa như vậy, việc ban hành các quy định liên quan đến công tác kế toán tại các đơn vị HCSN là vô cùng quan trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, quy định liên quan đến công tác kế toán tại các đơn vị HCSN đã tương đối đầy đủ, thể hiện thông qua Luật Kế toán sửa đổi (năm 2015) của Quốc hội, Nghị định 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ và Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.

Cụ thể, theo Luật Kế toán sửa đổi, kế toán đơn vị HCSN có nhiệm vụ cơ bản như: Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán; Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; Phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán; Phân tích thông tin, số liệu kế toán; Tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán; Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/1/2017, kế toán đơn vị HCSN phải đáp ứng được những yêu cầu sau: Phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính (BCTC); Phản ánh kịp thời, đúng thời gian quy định thông tin, số liệu kế toán; Phản ánh rõ ràng, dễ hiểu và chính xác thông tin, số liệu kế toán; Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính; Thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục từ khi phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính, từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của đơn vị kế toán; Số liệu kế toán kỳ này phải kế tiếp số liệu kế toán của kỳ trước; Phân loại, sắp xếp thông tin, số liệu kế toán theo trình tự, có hệ thống và có thể so sánh, kiểm chứng được.

Để làm rõ các nội dung liên quan đến công tác kế toán quy định tại Luật Kế toán sửa đổi 2015, trong đó có kế toán tại các đơn vị HCSN, ngày 30/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán năm 2015.

Trong đó, Nghị định đã làm rõ nhiều nội dung như: Nhiệm vụ kế toán; Yêu cầu kế toán; Nguyên tắc kế toán; Chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán; Các hành vi bị nghiêm cấm; Trách nhiệm quản lý, sử dụng, cung cấp thông tin, tài liệu kế toán; Chứng từ kế toán; Lập và lưu trữ chứng từ kế toán; Quản lý, sử dụng chứng từ kế toán; Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán…

Ngày 10/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Theo quy định, các đơn vị HCSN đều phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán thuộc loại bắt buộc quy định trong Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ thuộc loại bắt buộc. Ngoài các chứng từ kế toán bắt buộc được quy định tại Thông tư này và các văn bản khác, đơn vị HCSN được phép tự thiết kế mẫu chứng từ để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

Tuy nhiên, mẫu chứng từ tự thiết kế phải đáp ứng tối thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 Luật Kế toán, phù hợp với việc ghi chép và yêu cầu quản lý của đơn vị, gồm: Tên và số hiệu của chứng từ kế toán; Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán; Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ; Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán. Ngoài ra, chứng từ kế toán có thể có thêm những nội dung khác theo từng loại chứng từ…

Thông tư 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định tài khoản kế toán phản ánh thường xuyên, liên tục, có hệ thống tình hình về tài sản, tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí do NSNN cấp và các nguồn kinh phí khác; Tình hình thu, chi hoạt động, kết quả hoạt động và các khoản khác ở các đơn vị HCSN.

Đơn vị HCSN phải mở sổ kế toán để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán. Việc bảo quản, lưu trữ sổ kế toán thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán, các văn bản có liên quan và quy định tại Thông tư này.

Đối với đơn vị HCSN có tiếp nhận, sử dụng: Nguồn NSNN cấp; Nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài; Nguồn phí được khấu trừ, để lại phải mở sổ kế toán để theo dõi riêng theo Mục lục NSNN và theo các yêu cầu khác để phục vụ cho việc lập báo cáo quyết toán với NSNN và các cơ quan có thẩm quyền.

Trách nhiệm của người giữ và ghi sổ kế toán cũng được quy định rõ ràng hơn. Theo đó, sổ kế toán phải được quản lý chặt chẽ, phân công rõ ràng trách nhiệm cá nhân giữ và ghi sổ.

Sổ kế toán giao cho nhân viên nào thì nhân viên đó phải chịu trách nhiệm về nội dung ghi trong sổ trong suốt thời gian giữ và ghi sổ. Khi có sự thay đổi nhân viên giữ và ghi sổ, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán phải tổ chức bàn giao trách nhiệm quản lý và ghi sổ kế toán giữa nhân viên kế toán cũ với nhân viên kế toán mới.

Thông tin, số liệu ghi vào sổ kế toán phải chính xác, trung thực, đúng với chứng từ kế toán tương ứng dùng để ghi sổ. Việc ghi sổ kế toán phải theo trình tự thời gian phát sinh của nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm sau phải kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm trước liền kề, đảm bảo liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ.

Về mở sổ kế toán, đơn vị HCSN phải mở sổ kế toán để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán. Việc bảo quản, lưu trữ sổ kế toán thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán, các văn bản có liên quan và quy định tại Thông tư này.

Đơn vị HCSN có tiếp nhận, sử dụng: Nguồn NSNN cấp; Nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài; Nguồn phí được khấu trừ, để mở sổ kế toán để theo dõi riêng theo Mục lục NSNN và theo các yêu cầu, phục vụ cho việc lập báo cáo quyết toán với NSNN và các cơ quan có thẩm quyền.

Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Tùy theo hình thức kế toán đơn vị áp dụng, đơn vị phải mở đầy đủ các sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, trình tự và phương pháp ghi chép đối với từng mẫu sổ kế toán. Sổ kế toán ngân sách, phí được khấu trừ, để lại phản ánh chi tiết theo mục lục NSNN để theo dõi việc sử dụng nguồn NSNN, nguồn phí được khấu trừ để lại.

Sổ kế toán theo dõi quá trình tiếp nhận và sử dụng nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài phản ánh chi tiết theo Mục lục NSNN làm cơ sở lập báo cáo quyết toán theo quy định của Thông tư này và theo yêu cầu của nhà tài trợ. Tuy nhiên, căn cứ vào yêu cầu quản lý và yêu cầu hạch toán của từng đối tượng kế toán riêng biệt, đơn vị có thể được bổ sung các chỉ tiêu (cột, hàng) trên sổ, thẻ kế toán chi tiết để phục vụ lập BCTC, báo cáo quyết toán theo yêu cầu quản lý.

Ngoài ra, Thông tư 107/2017/TT-BTC cũng nêu rõ về: Nguyên tắc mở sổ kế toán; Ghi sổ kế toán; Khóa sổ kế toán; Sửa chữa sổ kế toán… Đây là những quy định quan trọng, kịp thời tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn mà các đơn vị HCSN đang gặp phải thời gian qua.

Một số kiến nghị

Nhằm thực hiện đầy đủ các quy định mới của Nhà nước về công tác kế toán tại các đơn vị HCSN, trong thời gian tới, cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:

Một là, nắm rõ đầy đủ các quy định đối với hoạt động kế toán tại các đơn vị HCSN. Theo đó, các quy định liên quan đến hoạt động kế toán tại các đơn vị HCSN đều được quy định rõ tại Luật Kế toán sửa đổi 2015 của Quốc hội, Nghị định 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ và Thông tư 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

So với các quy định trước đóvề chế độ kế toán HCSN, có nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, bám sát phát triển của khoa học công nghệ cũng như yêu cầu về BCTC quốc gia sẽ được thực hiện từ năm 2018…

Hai là, tổ chức công tác kế toán gọn nhẹ, tiết kiệm và có hiệu quả. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ hạch toán kế toán trong một đơn vị sự nghiệp cần có một bộ máy kế toán hợp lý được xây dựng trên cơ sở định hình được khối lượng công tác kế toán và tổ chức hệ thống thông tin kế toán đạt chất lượng.

Có thể lựa chọn một trong ba mô hình tổ chức bộ máy kế toán sau: Tập trung, phân tán hoặc hỗn hợp. Sau khi lựa chọn được mô hình phù hợp, việc sắp xếp, bố trí, phân công công việc cho những người làm công tác kế toán trong từng đơn vị sao cho bộ máy kế toán phải phù hợp với quy mô hoạt động và yêu cầu quản lý của từng đơn vị, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của bộ máy kế toán.

Ba là, làm tốt công tác kiểm tra trong công tác kế toán tại các đơn vị HCSN. Theo đó, thực hiện kiểm tra, kiểm soát tình hình chấp hành dự toán thu, chi; Tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế tài chính và các tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước; Kiểm tra việc quản lý, sử dụng các loại vật tư tài sản ở đơn vị; Kiểm tra việc chấp hành kỷ luật thu, nộp ngân sách, chấp hành kỷ luật thanh toán và chế độ chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định tại Nghị định 174/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính... nhằm đảm bảo quy định pháp luật được thực thi một cách đúng đắn.

Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn. Theo đó, cần tổ chức các buổi tập huấn về các nội dung mới, các vấn đề trọng tâm trong công tác kế toán HCSN, qua đó giải đáp những vướng mắc băn khoăn của các đơn vị sự nghiệp.           

Nguồn tham khảo: tapchitaichinh.vn

Tin mới hơn