Quy định mới về quản lý tiền mặt, tài sản, giấy tờ tại Kho bạc Nhà nước
Ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 135/ 2018/TT-BTC Quy định việc quản lý đối với tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) nhận bảo quản.
Thông tư này thay thế Thông tư số 122/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý đối với các loại tài sản quý và giấy tờ có giá do KBNN nhận gửi và bảo quản.
Thông tư gồm 9 điều, quy định về việc quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản.
Đối tượng áp dụng Thông tư gồm: Các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước; Các tổ chức, cơ quan Nhà nước có liên quan trong việc giao, nhận tài sản gửi bảo quản với các đơn vị Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Hình thức nhận bảo quản, KBNN nhận bảo quản tài sản theo hòm/túi/gói đã được niêm phong của đơn vị gửi tài sản; trên niêm phong đóng dấu của đơn vị gửi, chữ ký của người niêm phong. Trong trường hợp đơn vị gửi tài sản bảo quản là tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị thực hiện như sau: Đối với tiền mặt nộp tại KBNN, KBNN phải kiểm đếm xác định giá trị tài sản và hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại KBNN; Đối với tiền mặt và ngoại tệ tiền mặt (các loại ngoại tệ mà KBNN có tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại Ngân hàng) nộp tại Ngân hàng, đơn vị nộp trực tiếp tại Ngân hàng thương mại để chuyển vào tài khoản của KBNN. Đơn vị thực hiện nộp tiền theo hướng dẫn của Ngân hàng thương mại. Kho bạc Nhà nước hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.
Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước: Mở các loại sổ để ghi chép, theo dõi từng lần nhập, xuất tài sản; Hướng dẫn thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho bên gửi đến giao và nhận lại tài sản; Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện: Giấy gói, dây buộc, túi, hòm, niêm phong; Giữ bí mật và bảo đảm an toàn tuyệt đối hòm/túi/gói niêm phong tài sản của bên gửi tài sản, không để xảy ra nhầm lẫn, mất mát, hư hỏng tài sản; Trả đúng, đủ tài sản theo hòm/túi/gói niêm phong cho bên gửi khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; Thông báo kịp thời cho bên gửi tài sản biết để có biện pháp xử lý trong trường hợp niêm phong hòm/túi/gói bảo quản có thể bị hư hỏng…
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức gửi tài sản tại Kho bạc Nhà nước: Chấp hành các thủ tục, quy trình giao và nhận lại tài sản theo quy định; Thực hiện niêm phong tài sản theo quy định,đảm bảo nguyên tắc tài sản thuộc mỗi vụ việc được niêm phong riêng trong một hòm/túi/gói; Kiểm tra niêm phong hòm/túi/gói khi nhận lại tài sản; chịu trách nhiệm về danh mục tài sản trong hòm/túi/gói niêm phong gửi tại Kho bạc Nhà nước và toàn bộ số lượng, trọng lượng, chất lượng tài sản của mình khi nhận lại gói tài sản còn nguyên niêm phong…; Khi thay đổi đơn vị gửi tài sản để bàn giao cho đơn vị khác, đơn vị nhận bàn giao phải có công văn đề nghị Kho bạc Nhà nước tiếp tục bảo quản tài sản theo Quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2019, thay thế Thông tư số 122/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý đối với các loại tài sản quý và giấy tờ có giá do Kho bạc Nhà nước nhận gửi và bảo quản.
Trần Hiếu
Tin mới hơn
- Viện phát triển Công nghệ Tài chính phối hợp với Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang tổ chức tập huấn phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại tỉnh An Giang
- khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức dành cho cơ sở y tế công lập năm 2023
- Lịch khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức dành cho cơ sở y tế công lập năm 2023
- Phản hồi tích của học viên sau các khoa tập huấn