Trang chủ » Danh mục » Tin tức »

Đề xuất nhiều giải pháp chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Sáng ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần: Hiện trạng và giải pháp chính sách”. Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Đổi mới doanh nghiệp - Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học công nghệ, các Sở Tài chính…

Đây là Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia để xây dựng Nghị định và các Thông tư hướng dẫn liên quan đến việc triển khai, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Có 4 vấn đề cần làm rõ

Tại Hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 50.000 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), nắm giữ vốn tài sản nhà nước gần 1 triệu tỷ đồng (gần tương đương quy mô vốn và tài sản của khu vực DNNN), tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm. Hệ thống cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã hình thành ở hầu hết các địa bàn, từ vùng sâu xa, mạng lưới cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao trải rộng đến tận vùng sâu, xa. Các ĐVSNCL giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong cung ứng dịch vụ công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, tổ chức và họat động của các ĐVSNCL vẫn còn nhiều tồn tại. Hệ thống tổ chức các đơn vị còn cồng kềnh, manh mún; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL còn quá lớn. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, việc xã hội hóa còn chậm. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi đã giúp ĐVSNCL thu hút thêm nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động, thu nhập trung bình của người lao động tăng gần 30%, song so với lộ trình, việc chuyển đổi đến nay còn lúng túng.

P:\Nam 2019\2. TIN BAI\PHONG BAO CHI\5. Ta Vu Thu Hang\Thang 12\11.12 Hoi thao DVSNCL\A Tien1.JPG

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Chính vì vậy, theo ông Tiến, để phù hợp với quy định pháp lý và đặc thù khi chuyển sang mô hình DN, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần, trong đó quy định rõ đối tượng, điều kiện, hình thức, nhà đầu tư, cơ chế xử lý tài chính sau khi chuyển đổi…Cụ thể, về đối tượng chuyển đổi, dự thảo đề xuất bao gồm các ĐVSNCL thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, TP, quận, huyện, thị xã; thuộc các cơ quan chuyên môn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh; thuộc DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ… Để chuyển đổi, các ĐVSNCL phải tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi; còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị; thuộc danh mục ngành, lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Sẽ bổ sung thêm 2 hình thức chuyển đổi là bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu…

Tại Hội thảo, ông Tiến đề nghị thảo luận thêm 4 vấn đề như: (1) Đối tượng và điều kiện để ĐVSNCL thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần: nên quy định ra sao để khả thi và điều chỉnh hết được các đối tượng có khả năng chuyển đổi? (2) Hạch toán kế toán và chuyển đổi báo cáo tài chính trong quá trình chuyển đổi từ mô hình ĐVSNCN sang doanh nghiệp, đây là vướng mắc được phản ánh qua khảo sát thực tế của các ĐVSNCL, hiện Bộ Tài chính dự kiến sẽ xây dựng 01 Thông tư riêng để hướng dẫn nội dung này nhằm tháo gỡ khó khăn cho ĐVSNCL. (3) Xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN và thời điểm bàn giao sang công ty cổ phần: ngoài nội dung xử lý tài chính như đối với CPH DNNN, do đặc thù của ĐVSNCL khi chuyển sang công ty cổ phần là chuyển đổi hoàn toàn về khuôn khổ pháp lý và mô hình tổ chức, quản lý nên cần hướng dẫn chi tiết. (4) Phân cấp, phân quyền giữa các cấp: làm sao phù hợp với đặc thù là DVSNCL là quy mô nhỏ, số lượng lớn, hình thức đa dạng, thuộc nhiều loại hình, tầng lớp cơ quan chủ quản khác nhau.

Nhà nước cần quản lý giá

Từ nghiên cứu kinh nghiệm tại một số nước, bà Nguyễn Thị Lê Thu, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đóng góp ý kiến, về nguyên tắc nên thực hiện đối với các ĐVSNCL cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân, qua đó mang lại lợi nhuận cho công ty. Mặt khác, sản phẩm, dịch vụ mà các ĐVSNCL cung cấp không phải là thiết yếu mà Nhà nước cần đảm bảo quyền tiếp cận của người dân; ĐVSNCL hoạt động ở địa bàn kinh tế phát triển. Trên cơ sở này, đối tượng khi chuyển thành công ty cổ phần bao gồm toàn bộ các ĐVSN kinh tế; các cơ sở giáo dục đại học (trừ ngành sư phạm và đặc thù); cơ sở dạy nghề; cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chất lượng cao, chuyên khoa răng hàm mặt, phẫu thuật thẩm mĩ; các tổ chức nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ khoa học công nghệ; trung tâm văn hóa, nhà hát, đoàn nghệ thuật. Riêng với lĩnh vực báo chí truyền thông, bà Thu đề nghị bao gồm toàn bộ các ĐVSNCL, trừ đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền.

C:\Users\tavuthuhang\Documents\Nam 2019\Anh 10 nam\Anh dang\11.12\Toan canh.JPG

Toàn cảnh Hội nghị

Về điều kiện chuyển đổi, bà Thu cho rằng, quá trình xây dựng khung pháp lý cần quy định rõ cơ chế tài chính, quyền sở hữu, xử lý tài sản, sử dụng đất, quản lý giám sát của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với người lao động. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ của các ĐVSNCL sau khi chuyển đổi, Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn, giám sát và có chế tài xử lý vi phạm. Với những lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, xử lý rác thải… Nhà nước cần quản lý giá nhằm đảm bảo quyền tiếp cận của người dân. “Việc chuyển đổi cũng cần thực hiện theo lộ trình và gắn với cơ chế tự chủ. Trước mắt, thực hiện chuyển đổi các ĐVSNCL đã tự chủ cả chi đầu tư và thường xuyên”- bà Thu góp ý.

Mô hình tài chính có sự thay đổi lớn

Việc chuyển đổi đơn vị SNCL sang công ty cổ phần là một bước chuyển đổi lớn về cơ chế quản lý, tài chính đang từ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận chuyển sang loại hình hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Do đó, Ths Hà Thị Tường Vy - Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) cho rằng, công tác kế toán có một sự thay đổi rất cơ bản, từ hạch toán thu – chi chuyển sang hạch toán kinh tế, xác định rõ các khoản chi phí, doanh thu hay nói cách khác các ĐVSNCL đang quen với Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (TT 107/2017/ TT – BTC) chuyển sang chế độ kế toán DN phải tuân thủ theo các quy định của hệ thống Chuẩn mực kế toán, Chế độ kế toán phân định rạch ròi về tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả; Xác định rõ thời điểm ghi nhận doanh thu – chi phí, xác định kết quả hoạt động, phân chia kết quả. Những nội dung mà kế toán cần xử lý đó là ghi nhận kết quả kiểm kê tài sản, xử lý tài sản thừa thiếu trong kiểm kê, nhượng bán, chuyển giao các tài sản không cần dùng, các tài sản thuộc công trình phúc lợi; Xử lý các khoản nợ phải thu, phải trả (nếu có); Kế toán xử lý số dư các quỹ: Quỹ khen thưởng, phúc lợi; Quỹ dự phòng ổn định thu nhập; Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ phát triển hoạt động thu nhập; Kế toán chênh lệch đánh giá lại giá trị tài sản khi xác định giá trị ĐVSNCL…

Kế toán khi bàn giao cho công ty cổ phần cần mở sổ kế toán mới và ghi nhận các khoản TS, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên cơ sở biên bản, hồ sơ bàn giao, báo cáo tài chính đã được KTNN thực hiện kiểm toán.

Đề xuất giải pháp xử lý số dư tiền mặt và tài sản hình thành từ nguồn Quỹ khi chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần, bà Nguyễn Thu Thúy - Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, Dự thảo Nghị định quy định: Chi bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động (nếu có); chi cho người lao động theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; phần còn lại chia cho người lao động theo số tháng công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi. Việc quy định “chi bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động (nếu có)” dễ gây hiểu nhầm và cho phép chi những khoản đã chi không có trong chế độ, hay quy chế chi tiêu nội bộ, vượt quá mức chi chế độ quy định. Đây quy định mới so với các quy định tại Nghị định số 43 và Nghị định 16, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu. Theo Nghị định 43 và Nghị định 16: Đơn vị sự nghiệp công phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về mức chi, tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc; tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động; chế độ công tác phí nước ngoài; chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam.

Ngoài ra, bà Thúy cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với các công trình, dự án dở dang; nghiên cứu quy định xác nhận vay nợ đối với các dự án vay nợ nước ngoài, dự án viện trợ không hoàn lại nhưng chưa kết thúc dự án…

Nhà nước cần giữ vai trò điều tiết

C:\Users\tavuthuhang\Documents\Nam 2019\Anh 10 nam\Anh dang\11.12\Ba Quyen.jpg

Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB)

Theo bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), WB hoàn toàn ủng hộ mục tiêu, định hướng và cách thức chuyển đổi được đặt ra tại dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, trong, trước và sau khi các ĐVSNCL thực hiện chuyển đổi chắc chắn có rất nhiều thách thức. Câu hỏi đặt ra là những ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ phù hợp với chuyển đổi; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận như thế nào. Bà Quyên cho rằng, kể cả ở những nước phát triển thì Nhà nước vẫn giữ vai trò điều tiết một số dịch vụ công thiết yếu cho người dân như giáo dục. Do đó, dự thảo cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công sau khi các ĐVSNCL chuyển sang hoạt động theo mô hình DN. Một vấn đề khác cũng cần phải làm rõ đó là, những ngành nghề nào mà tư nhân đã làm tốt rồi thì có cần chuyển đổi hay không. Vấn đề công khai thông tin, minh bạch tài sản trước khi chuyển đổi như thế nào. “Tính bền vững, cũng như những mâu thuẫn giữa giá trần dịch vụ công do Nhà nước quy định với quyền tự chủ của DN sẽ được giải quyết như thế nào sau khi chuyển đổi. Với quá nhiều vấn đề đặt ra như vậy, nên chăng cần khuyến khích việc chuyển đổi bước 1, tức là chuyển sang công ty 100% vốn nhà nước để các ĐVSNCL làm quen với mô hình hoạt động của DN trước, sau đó mới chuyển thành công ty cổ phần”, bà Quyên đề xuất.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, các ĐVSNCL ở các TP lớn thường có nguồn thu dồi dào hơn các vùng khác. Do đó, việc chuyển đổi cũng cần phân chia theo tiêu chí địa bàn, dịch vụ. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ sau khi chuyên đổi, thì Nhà nước vẫn phải giữ vai trò quan trọng trong giám sát tình hình tài chính, cũng như kết quả hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, vấn đề này cần được đưa vào thành quy định cụ thể trong dự thảo nghị định.

Nguồn: Kim Chung/ Cổng thông tin điện tử bộ tài chính

Tin mới hơn

Tin khác